Lê Bá Đảng (1921 – 2015).Bến Hội An. 1953. Sơn dầu. 54x73cm
Lê Bá Đảng là một danh họa, nghệ sĩ điêu khắc lừng danh người Pháp gốc Việt. Ông là một trong những họa sĩ gốc Việt nổi tiếng “được thừa nhận rộng rãi như một trong những nghệ sĩ cừ khôi nhất về tranh khắc, với kỹ thuật khắc axít và in đá tuyệt hảo. Nó quan trọng tới mức có hẳn hai thuật ngữ liên quan tới nghệ thuật của ông: “lebadanggraphie” và “spacegraphie”.
Chân dung họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015)
Riêng thể “spaces” – là những độc bản, trong đó kết hợp một cách tinh xảo các kỹ thuật: điêu khắc, hội họa, khắc nổi, với bề mặt phong phú hình thành từ nhiều lớp giấy chuyên dụng, làm hiện lên những mô típ chồng chéo hao hao những “quang cảnh” bất thường của địa mạo nhìn từ vũ trụ (theo sách “Từ điển họa sĩ Việt Nam” của NPBMT Quang Việt, NXB Mỹ thuật 2007).
Họa sĩ Lê Bá Đảng, sinh ngày 27 tháng 6 năm 1921, ở làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gần thành phố Huế. Ông qua đời ngày 7 tháng 3 năm 2015 tại Paris, hưởng thọ 94 tuổi.
Ông đã dành cả phần lớn cuộc đời của mình tại Pháp và một khoảng thời gian tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã cảm thấy cần phải thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó trên chính mảnh đất Quảng Trị – nơi đồng khô cỏ cháy và quyết định xuất ngoại sang Pháp .
Bắt đầu từ khi sang Pháp năm 1939, ông trải qua nhiều biến động, cuộc đời chỉ bắt đầu đổi thay khi bước chân vào học khóa học tại (Ecole des Beaux-Arts (School of Fine Arts) in Toulouse, France) từ năm 1942 đến năm 1948 theo dạng vừa học vừa làm.
Tháng 6 năm 1948, ông đỗ đầu trường và chiến thắng trong một cuộc thi Áp phích quảng cáo. Với số tiền thưởng này, ông đã chuyển đến sống tại Paris.
Năm 1950, ông có mối tình đẹp trên cây cầu Pont des Art, ông kết hôn với bà Myshu (tên thật là Micheline Mourrieettee Louus Hai Nguyen), sinh ngày 5 tháng 7 năm 1929 tại Havre.
Họa sĩ Lê bá Đảng và vợ – bà Myshu
Kết quả của mối tình đẹp ấy được đơm hoa kết trái tại Paris, ngày 14 tháng 5, năm 1951, vợ chồng ông sinh được một cậu bé, đặt tên là Fabrice (tên thường gọi là Touty).
Cũng trong năm 1950, họa sĩ Lê Bá Đảng có cuộc triển lãm ra mắt đầu tiên tại Paris cũng như sáng tác bộ sưu tập “Mèo” – vẽ theo đường nét ký họa mực nho theo lối thư pháp phương Đông – đánh dấu chặng đường khởi nghiệp.
Từ năm 1953, với nỗi nhớ của người con xa quê, ông vẽ một loạt những tác phẩm về quê hương đất nước, bắt đầu là vẽ thuyền và ngựa.
Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Bá Đảng mà Viet Art View giới thiệu ở đây không đề năm sáng tác. Tranh được người chủ cũ sưu tập từ một gallery ở Paris với tên đề một bức tranh “Phong cảnh” của Lê Bá Đảng – Việt Nam. Nhưng nếu xét về diễn tiến thời gian quá trình sáng tác của ông thì bức tranh này nằm trong chủ đề “vẽ về quê hương đất nước, bắt đầu là vẽ thuyền và ngựa” từ năm 1953 của ông.
Lê Bá Đảng (1921 – 2015).Bến Hội An. 1953. Sơn dầu. 54x73cm
Bức tranh miêu tả một bến sông với nhiều con thuyền trong một quang cảnh náo nhiệt, tấp nập. Phía hậu cảnh là những dãy nhà kiểu phố thị nhấp nhô cho thấy bến thuyền này phải nằm trong lòng một đô thị. Sau khi so sánh, cân nhắc kỹ đặc thù các bến sông ở Việt Nam từ Bắc-Trung-Nam, so sánh một số bức ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 50, dựa vào các chi tiết hình ảnh thể hiện, Viet Art View nhận thấy đây rất có thể là bến thuyền trên sông Thu Bồn nằm trong lòng phố cổ Hội An. Đó chính là Bến Hội An.
Bến Hội An những năm đầu thế kỷ 20
Vâng, rất có thể là ở bến Hội An chứ không phải ở nơi nào khác? Thứ nhất, dựa vào chính nội dung miêu tả trong bức tranh. Thứ hai, Lê Bá Đảng là người miền Trung, nên sẽ có ký ức về những phong cảnh ở miền Trung như Quảng Trị, Huế, Hội An, Đà Nẵng hơn các khu vực phía Bắc và Nam. Không những thế, năm 1939, khi mới 18 tuổi, ông đã rời quê hương sang Pháp.
Về mặt chủ đề, bức tranh tương ứng với giai đoạn sáng tác loạt tranh “thuyền” những năm 1953 trở về sau; về mặt nội dung tương ứng với vùng miền họa sĩ sinh sống…như vậy, đã có cơ sở tạm đặt tên bức tranh “Bến Hội An”, sáng tác khoảng 1953 của Lê Bá Đảng.
Ngắm nhìn tranh trực tiếp, thấy toàn bộ mặt tranh là những vết rạn đều đặn từng ô vuông nhỏ liên tiếp khiến cho bức tranh có hiệu ứng khá đặc biệt về mặt thị giác. Lê Bá Đảng sử dụng bay vẽ để tạo hình, đi màu nhiều hơn dùng bút lông. Nhìn lướt qua có cảm giác như ông cố tình tạo nên những “ma trận” xược vuông bằng đầu bay hoặc một vật có đầu nhọn nhưng trên thực tế các vết rạn liên tiếp trên mặt tranh chính là sự co ngót giữa hai lớp màu sáng – tối.
Một họa sĩ chuyên sáng tác trên chất liệu sơn dầu cho biết: cụ thể ở đây là họa sĩ Lê Bá Đảng đã dùng một tông màu sáng làm lớp lót nền. Sau khi lớp nền ấy khô đi thì ông phủ lên mặt tranh một tông màu tối hơn. Do hiệu ứng “bản chất màu” giữa tông sáng, tối có đặc tính co ngót khác nhau; do họa sĩ phủ màu mỏng nên mới xuất hiện những vết rạn như vậy. Các vết rạn này thường xuất hiện nhanh, chỉ sau khi họa sĩ vẽ một thời gian ngắn. Có khá nhiều tranh chất liệu sơn dầu của Lê Bá Đảng cũng có bề mặt tương tự như “Bến Hội An”.
Hiện tượng này thường thấy trong một số tác phẩm trên chất liệu sơn dầu, ví dụ như bức “Giấc mơ”, 1989. Sơn dầu,70×84,5cm của họa sĩ Đỗ Quang Em (1942-2021) với các liếp tiếp các vết rạn rất rõ…
Khi nghiên cứu một bức tranh đời sâu của một họa sĩ đã qua đời, luôn gây cho người viết những cảm giác kích thích như việc giải một bài toán khó. Lê Bá Đảng chính thức sáng tác hội họa từ 1950. Thời kỳ đầu tiên ông chưa trừu tượng hóa toàn bộ hình nên còn nhìn thấy thấp thoáng các hình thể trong gam màu nâu vàng, gam xanh lá và xanh biển thẫm. “Bến Hội An” được sáng tác trong khoảng thời gian ấy nên trở thành một trong những bức tranh “hình không phải hình thể với đời thực”, dễ cảm thụ, gần với đời sống.
Thời kỳ của những chủ đề sáng tác “Bàn chân Giao chỉ”; “Mèo”; “Tranh hai mặt”; “Hạt gạo Trường Sơn”; “Tấn tuồng nhân loại”; “Thiền xanh”; “Phụ nữ”; “Chiến tranh”; “Hoa”; “Mắt”; “Ngựa”; “Thuyền”; “Cõi người ta”; “Điêu khắc”; “Tranh in”…là những sáng tạo liên tiếp không ngừng nghỉ của ông. Lê Bá Đảng quan niệm “Sự giàu có đích thực của người nghệ sĩ đến từ sự đa dạng trong sáng tạo”.
Lê Bá Đảng là một Việt kiều yêu nước. Năm 1969-1973, ông sáng tác bộ tranh “Phong cảnh bất khuất” với chủ đề “Đường mòn Hồ Chí Minh”; “Thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí Minh”.
Lê Bá Đảng được tôn vinh là danh họa của thế giới. Sự nghiệp của ông vô cùng lẫy lừng với gia tài sáng tác đồ sộ lên tới hàng ngàn bức. Đặc biệt những bản tranh in của ông còn có số lượng lớn hơn nhiều.
“Đi xa để trở về” là nỗi niềm của Lê Bá Đảng cũng như nhiều Việt kiều có tấm lòng yêu quê hương khác. Để rồi hơn 80 năm sau, vào năm 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng được thành lập bởi “Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với họa sỹ Lê Bá Đảng” được coi là một thiết chế văn hóa đặc thù có con dấu riêng…
Bảo tàng Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại số 15 Lê Lợi, T.p Huế (trước là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng) thành lập 2006
“Không gian Nghệ thuật Lê Bá Đảng” nằm trên một ngọn đồi với diện tích hơn 16 nghìn m2, đặt tại xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, được khánh thành năm 2019
Lê Bá Đảng chưa bao giờ thôi thương nhớ quê hương. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó”.
Quê hương tôi là một bức tranh và luôn nằm trong trái tim tôi…
Ps: * Tên tác phẩm do Viet Art View tạm đặt
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View