Nguyễn Sáng và mệnh đề cách mạng
Nhắc đến Nguyễn Sáng, người yêu nghệ thuật sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm đồ sộ cả về tầm vóc lẫn đề tài của ông; nhớ đến những phá cách tạo hình; những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của một tài năng hội họa thiên bẩm; một nhân cách sống tha thiết, quyết liệt từ nghệ thuật đến đời sống riêng tư.
Nguyễn Sáng là mẫu “nghệ sĩ điển hình cho những mục tiêu nghệ thuật có tính cam kết cao nhất, thường trực trong con người ông là cả một cuộc đấu tranh giữa ý đồ cách tân và sự cảm nhận sâu sắc về đề tài” (theo sách “Từ điển Mỹ thuật”, NXBMT, 2007).
Trên thực tế, di sản nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với truyền thống và lịch sử dân tộc. Ông là họa sĩ của những bản anh hùng ca cách mạng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, ông đều để lại những dấu ấn nghệ thuật mang tính biểu tượng. Năm 1954 ông sáng tác “Giặc đốt làng tôi”, sơn dầu; năm 1963 “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, sơn mài; năm 1967-1978 là “Thành đồng Tổ quốc”, sơn mài… Những tác phẩm này gây xúc động mạnh cho bất cứ thế hệ nào bởi hàm lượng nghệ thuật đậm đặc, kỹ năng nghề đỉnh cao, nhân vật biểu cảm tinh tế, thể hiện sâu sắc được ý chí khát vọng độc lập của một dân tộc quật cường.
Với hai tác phẩm lớn tiêu biểu cho hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” – chống Pháp; “Thành đồng Tổ quốc” – chống Mỹ… Ông là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam có hai tác phẩm được chọn làm bảo vật quốc gia trong tổng số bảy bức trên cả nước.
Nguyễn Sáng đang vẽ
Hà Nội tháng 7 năm 1984. Tại phòng Triển lãm cá nhân của Nguyễn Sáng tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Từ phải sang trái: Nguyễn Sáng, Văn Cao và Bùi Xuân Phái.
Từng được gọi là “Nhà danh nhân”, ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học sau giải phóng Thủ Đô đã trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam,
sau nữa trở thành chỗ ở của các văn nghệ sỹ như các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến,
Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam…
Nguyễn Sáng là một người con của Nam Bộ, mang trong mình dòng máu dân tộc mãnh liệt. Vì vậy, dấu mốc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là chủ đề quan trọng, được ông nuôi dưỡng ý tưởng, chuẩn bị sáng tạo những tác phẩm có tầm vóc lớn.
Năm 1980, nhân kỷ niệm 5 năm ngày Giải phóng miền Nam và Thống nhất đất nước ông đã hoàn thiện hai bức tranh sơn mài lớn “Thống nhất” và “Múa vòng” với tâm ý biết ơn – tri ân quê hương, đất nước.
Nguyễn Sáng (1923-1988). Múa vòng. 1980. Sơn mài. 80x100cm. Hiện thuộc sưu tập của Cục mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Ảnh tác phẩm sử dụng từ cuốn “Nguyễn Sáng”, tác giả Quang Việt, NXBMT 2017. Ảnh chụp: Lê Vượng.
Về bức sơn mài “Thống nhất”
Phần hấp dẫn nhất, quan trọng nhất với các nhà nghiên cứu, phê bình, với người yêu nghệ thuật chính là phần “đọc, hiểu” tác phẩm. Nhất là sáng tác của Nguyễn Sáng.
Về cơ bản, Nguyễn Sáng xây dựng tác phẩm “Thống nhất” có thông điệp rõ ràng trên sự diễn giải chân thực. Bức tranh khắc họa ba nhân vật theo phong cách và bút pháp đặc trưng của Nguyễn Sáng. Dựa vào các chi tiết mô tả có thể đoán, người thiếu nữ đang dùng cả hai tay, trang trọng trao bó hoa sen – đại diện cho nhân dân miền Bắc, mang tâm thế chúc mừng. Người thiếu nữ còn lại – đại diện cho nhân dân miền Nam, mang tâm thế người nhận, được trao hoa; một tay đỡ hoa, tay kia vẫn đang cầm bông hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu, lòng biết ơn, sự cảm kích. Nhân vật trẻ em – chỉ có hình và nét ước lệ, tạo hình theo phong cách điêu khắc dân gian Bắc Bộ, mô phỏng motif trên các cột, vì kèo trong các kiến trúc tôn giáo cổ. Nhân vật này đứng giữa trung tâm, hai tay giơ cao qua đầu như nâng đỡ bó hoa sen – tượng trưng cho thế hệ tương lai – đón nhận, gìn giữ hòa bình và phát triển đất nước. Trên nền (trời) là một dải màu vàng bố trí chạy ngang mặt tranh; vừa có thể là mây, vừa có thể là dãy núi. Ngoài ý đồ về tính cân bằng bố cục còn mang tính trang trí. Có thể tác giả muốn nêu bật chủ đề quan trọng mang biểu tượng thống nhất – non sông Việt Nam nối liền một dải.
Nguyễn Sáng (1923-1988). Thống nhất. 1980. Sơn mài.
Hiện thuộc sưu tập của Cục mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Ảnh tác phẩm sử dụng từ cuốn “Nguyễn Sáng”, tác giả Quang Việt, NXBMT 2017. Ảnh chụp: Lê Vượng.
“Thống nhất” là tác phẩm đa ý nghĩa, sâu sắc về tầm vóc dân tộc, về tinh thần yêu nước và nổi trội cá tính hội họa của Nguyễn Sáng. Cá tính ấy được thể hiện từ phong cách, bút pháp của tạo hình chắc chắn, khỏe – khối mảng bẹt đi cùng đường nét dứt khoát, mạch lạc – công tua sảng khoái; nhân vật có duyên – khuôn mặt, tà áo, mái tóc; các chi tiết trang trí tưởng chỉ là phụ trợ, điểm xuyết nhưng lại đậm tính lãng mạn – hoa sen, hoa hồng và cái dí dỏm của chất dân gian – tạo hình trẻ em.
Bức tranh “Thống nhất” bản in trên báo
Để sáng tác chủ đề mang tầm vóc và tư tưởng lớn – là rất khó. Nếu sáng tác “chưa đủ tới” sẽ gây cảm giác “phong trào”. Nghệ sĩ phải “giỏi” mới có thể “truyền tải được tinh thần – tính dân tộc” vào tác phẩm. Ngoài việc là một họa sĩ giỏi nghề, Nguyễn Sáng nổi trội với sự toàn tâm, toàn ý, quyết liệt trong sáng tạo nghệ thuật – tính cách gắn liền với tên tuổi của ông. Điều này được cả giới nghề lẫn người yêu nghệ thuật công nhận và trân trọng. Đây cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm của ông. Nguyễn Sáng đã từng nói: “Nếu không phải vì nghệ thuật anh có rải tiền đầy đường tôi cũng giẫm lên mà đi. Còn vì nghệ thuật tôi có thể nhặt từng đồng xu một để sống”.
Cả một đời lao động nghệ thuật miệt mài, đầy nghị lực, ý chí để đi đến tận cùng con đường sáng tạo… được bắt nguồn học tập từ truyền thống dân gian. Nguyễn Sáng là một tượng đài lớn của hội họa cách mạng Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art view
Bản quyền thuộc Viet Art View