Logo loading

TUYÊN NGÔN CỦA AINDREA — 10 QUI TẮC CHO CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC CỦA MỘT NHÀ PHÊ BÌNH NGHỆ THUẬT, TÁC GIẢ, CURATOR

Aindrea Emelife, 28 tuổi, là một curator độc lập, nhà phê bình nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tác giả sống tại London. Cô chia sẻ 10 qui tắc với nghệ thuật: chúng ta tạo ra nó như thế nào, cách chúng ta chiêm ngưỡng nó, nghĩ về nó, và quan trọng nhất, […]
|Viet Art View

Aindrea Emelife, 28 tuổi, là một curator độc lập, nhà phê bình nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tác giả sống tại London. Cô chia sẻ 10 qui tắc với nghệ thuật: chúng ta tạo ra nó như thế nào, cách chúng ta chiêm ngưỡng nó, nghĩ về nó, và quan trọng nhất, nó có thể dạy chúng ta nhiều điều nếu đặt lại những câu hỏi — chúng ta hiểu nghệ thuật đến đâu.

1, Tương lai không phải là mãi mãi

Nghệ thuật giống như một tấm gương: nó nên là thế giới chúng ta đang sống và qui định một lý tưởng cho những thay đổi trong tương lai. Lịch sử đang tăng tốc. Quyền năng của nghệ thuật còn chưa được khám phá hết. Chúng ta hãy đặt những viên đá lót đường cho sự thay đổi.

2, Nghệ thuật nắm giữ chân lý cho quyền lực và sự công bằng

Nghệ thuật đưa chúng ta đến với những thế giới khác, những lịch sử khác, những góc nhìn khác, để hiểu rõ hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Văn hóa định hình nhân loại và khiến chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình. Nghệ thuật có thể là hoạt động xã hội, nhưng hoạt động xã hội không đáng ngại — tất cả chúng ta đều ủng hộ những gì chúng ta tin tưởng. Chúng ta không nên coi những người hoạt động xã hội là những người chỉ biết phản đối.

3, Nghệ thuật là một trận chiến

Hãy để nghệ thuật công cộng trở thành diễn đàn La Mã: một nơi để tụ họp, chia sẻ những ý tưởng, biểu hiện sáng tạo và kể chuyện. Kết nối — là ý nghĩa cốt lõi của con người. Nghệ thuật công cộng phải được làm trong im lặng, nó phải tái định hình và phát triển. Nghệ thuật mà chúng ta nhìn ngắm mỗi ngày phải có những giá trị sống. Nghệ thuật dẫn chúng ta đến sự đồng cảm. Sự đồng cảm này sẽ dẫn đến sự công bằng.

4, Nghệ thuật là nơi tôn nghiêm

Nghệ thuật là một chiếc giường ấm cúng. Một cái ôm nồng nhiệt. Nghệ thuật có thể chữa lành. Chúng ta có thể rút lui vào đó. Nó cho phép chúng ta đau buồn — nó vỗ về và mang lại hi vọng. Nó là một niềm an ủi, cũng là một sự chuyển hướng. Nghệ thuật sống cả ngoài bảo tàng. Nghệ thuật đường phố và tranh tường là những đam mê với sơn phun. Nó là một bài tập cho tình yêu và nỗi buồn. Nó nói rằng “Sự sáng tạo sống ở nơi này.” Nó thân mật, đáng giá.

5, Sự khắc khổ cần có nghệ thuật

Sự khắc khổ cần có màu sắc, đời sống và cái đẹp. Nó cần những câu hỏi hơn là những câu trả lời. Nó cần những ý tưởng. Ý tưởng là sự làm giàu. Chúng ta cần phải giàu văn hóa. Hãy để văn hóa tràn ngập khắp mọi nơi. Hãy để bản thân chúng ta ngập trong những ý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn; hãy để mọi câu chuyện lên tiếng. Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu nhau, và hiểu chính mình.

6, Nghệ thuật của người da màu có giá trị

Phi thực dân hóa bảo tàng. Một từ đáng sợ — “Phi thực dân hóa” có nghĩa là giảm trọng tâm của quan điểm châu Âu, để những câu chuyện “Khác” được lắng nghe và loại bỏ ý tưởng rằng quan điểm phương Tây chính là tiêu chuẩn. Nó KHÔNG phải là sự kiểm duyệt việc loại bỏ: nó phải thêm vào những gì đáng lẽ đã phải luôn ở đó. Tại sao lịch sử nghệ thuật da màu bị lãng quên? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo tính kế thừa và học thuật của nó? Tất cả những curator của nghệ thuật da màu đã ở đâu? (* vẫy *) Làm thế nào để tính chủ quan của nghệ thuật da màu được biểu đạt, thể hiện, biểu thị ngoài khuôn khổ của những cái nhìn da trắng?

7, Nghệ thuật lấy lại sức mạnh của nó như một phần của cuộc tranh luận công khai, nó không chỉ là trang trí

Nghệ thuật sống và thở khi nó đến với mọi người. Người ta nói nghệ thuật là tháp ngà. Một khi nó rời khỏi tháp ngà đó, nó có thể kích hoạt hành động. Khi được giải phóng khỏi xiềng xích của nhận thức “một gu thẩm mỹ”, nghệ thuật có thể dẫn chúng ta đến những cách nghĩ mới và bắt đầu một cuộc cách mạng về tâm trí. Đó chẳng phải là những gì nghệ thuật phải làm sao?

8, Chúng ta đều xứng đáng với nghệ thuật

Ai cần nghệ thuật? Ai chịu tác động từ nó? Nếu nghệ thuật được cho là sẽ khơi dậy, chuyển dịch và đánh bật chúng ta khỏi sự tự mãn thì ai cần lực đẩy toàn năng của nghệ thuật? Ai sẽ tương tác với những thông điệp mạnh mẽ để tạo lập một xã hội tốt đẹp hơn? Câu trả lời nên là tất cả chúng ta. Nghệ thuật phải là cái mà ai cũng có thể tiếp cận.

9, Cách chúng ta kể chuyện cũng quan trọng

Những câu chuyện nào được kể? Ai có thể? Ai cần nghe chúng? Tại sao chúng ta lại quên chúng? Những câu chuyện về chính trị bấy giờ và bây giờ nên được kể với sự nhạy cảm và sắc thái. Chúng ta phải tích hợp những tiếng nói đa dạng trong các diễn ngôn nghệ thuật rộng lớn hơn. Hãy bỏ đi những chỗ ngồi, hãy thiết kế lại chiếc bàn.

10, Nghệ thuật thách thức những qui ước

Đừng ngốc nghếch. Nghệ thuật vượt ra khỏi rào cản ngôn ngữ. Chính sự giải phóng sự sáng tạo chủ quan đó đã thúc đẩy sự tò mò. Nghệ thuật nên đưa chúng ta vào sự tự vấn, niềm vui và học hỏi. Chúng ta phải đặt câu hỏi, hiểu và đặt câu hỏi lần nữa. Hằng ngày. Hãy để nghệ thuật là nguồn sáng cho những bộ óc tò mò.

Aindrea Emelife là một curator, nhà phê bình, nhà sử học nghệ thuật và người thuyết trình, 28 tuổi, đến từ London. Cô đang thực hiện hai cuốn sách đầu tiên A Little History of Reflect Art, và How Art Can Change The World: A Manifesto [Một chút lịch sử về nghệ thuật phản chiếu; Một tuyên ngôn: Nghệ thuật có thể thay đổi thế giới như thế nào]; cô cũng viết và quay phim tài liệu nghệ thuật đầu tiên của mình. Cô đã viết cho Financial Times, Guardian, Vanity Fair, Telegraph và Frieze. Cô tận tâm với công việc diễn thuyết trước công chúng, thường là các cuộc thảo luận về nghệ thuật đương đại, phổ biến và đa dạng hóa lịch sử nghệ thuật, đồng thời ủng hộ nghệ sĩ nữ, nghệ sĩ da màu. Các triển lãm của cô bao gồm: Black Faces / White Spaces: Invisibility and Hypervisibility [Gương mặt đen / Không gian trắng: Những gì không được thấy, hơn cả tàng hình] tại Dallas vào tháng 10 năm 2021 và các triển lãm ở London, Athens, New York và Venice được lên kế hoạch trong năm nay. Năm 2021, Aindrea được đưa vào Danh sách 30 Under 30 của Forbes và được bổ nhiệm tới Ủy ban Đa dạng trong Khu vực Công của Thị trưởng London.

Nguồn: WePresent

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top