Logo loading

ĐỐI VỚI CÁC NGHỆ SĨ ĐƯƠNG ĐẠI, TROMPE L’OEIL CÓ RẤT NHIỀU Ý NGHĨA BÊN CẠNH THỦ THUẬT TẠO ẢO ẢNH

Jeremy Shockley, Chờ mong tia nắng của tôi, 2023, The Hole   Anne Carney Raines, The Duck, 2023, Soho Revue Trong Lịch sử Tự nhiên của mình, Pliny Lớn ghi lại cuộc so tài giữa hai họa sĩ. Tác phẩm cổ xưa viết, Zeuxis đã vẽ những quả nho giống thật đến nỗi những con […]
|Viet Art View

Jeremy Shockley, Chờ mong tia nắng của tôi, 2023, The Hole

 

Anne Carney Raines, The Duck, 2023, Soho Revue

Trong Lịch sử Tự nhiên của mình, Pliny Lớn ghi lại cuộc so tài giữa hai họa sĩ. Tác phẩm cổ xưa viết, Zeuxis đã vẽ những quả nho giống thật đến nỗi những con chim đã cố bứt chúng ra khỏi cây, nhưng khi anh định kéo bức màn che tác phẩm của đối thủ, Parrhasius, anh phát hiện ra bức màn đó là một tác phẩm: Zeuxis đã đánh lừa những con chim, nhưng Parrahasius lại đánh lừa được đồng nghiệp của mình.

Ảo ảnh hội họa này về sau được gọi là trompe l’oeil, mục đích của nó là “đánh lừa thị giác thông qua các kỹ thuật về hình ảnh và hiệu ứng quang học khác nhau, đánh lạc hướng thị giác trong đó người xem đóng vai trò tích cực,” María Eugenia Alonso, curator của “Cực thực: Nghệ thuật của Trompe l’Oeil,” một triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Thyssen-Bornemisza, Madrid trong năm ngoái, cho biết. Kỹ thuật này cho phép người xem tham gia vào một chuỗi trải nghiệm, cô nói: “từ sự đánh lừa ban đầu cho đến khám phá sau cùng rằng mình đã bị đánh lừa.”

 

Daiya Yamamoto, Cône noir, 2023, Galerie Taménaga

 

Daiya Yamamoto, Quả tầm xuân , 2022, Galerie Taménaga

Các nghệ sĩ thời Phục hưng biết Pliny của họ đã mô phỏng kỹ thuật này, nhưng ở Hà Lan vào thế kỷ 17, trompe l’oeil đã trở thành một thể loại tranh độc lập sẽ tiếp tục được phát triển tốt vào thế kỷ 19. Mặc dù về sau không còn được ưa chuộng ở châu Âu, nhưng nó đã được hồi sinh trong cùng thế kỷ bởi các nghệ sĩ Bắc Mỹ và tiếp tục được các nghệ sĩ sử dụng với nhiều hiệu ứng khác nhau trong thế kỷ 21.

Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không dễ bị lừa như người Hy Lạp cổ đại, nhưng trong thời đại của các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra và những trò giả mạo tinh vi, tình hình có thể không phải như vậy. Thật vậy, các nghệ sĩ đang làm việc với trompe l’oeil ngày nay có lẽ không cố tình làm chúng ta bối rối, mà khuyến khích chúng ta nhìn kỹ thế giới xung quanh và đặt câu hỏi về những gì chúng ta nhìn thấy.

Họa sĩ Daiya Yamamoto pha trộn di sản của các bậc thầy Flemish với sự thuần khiết của cái đẹp Nhật Bản để tạo ra các tác phẩm tối giản cực kỳ tinh tế. Trong một triển lãm cá nhân gần đây tại Galerie Taménaga, các tác phẩm thực như ảnh của anh đa phần tập trung vào những chủ đề thường không được coi là hấp dẫn: một dụng cụ làm vườn, hoặc những bông hoa đang chớm nở thay vì nở rộ chẳng hạn. Được vẽ như thể dán vào toan hoặc được treo bằng sợi xe mảnh, kết quả thật tuyệt vời.

 

Daiya Yamamoto, mt masking tape, 2020, Mottas

Trong mt masking tape (2020), Yamamoto thậm chí còn thành công trong việc biến những dải băng keo eau de nil thành một tác phẩm có vẻ đẹp thiền định đáng kinh ngạc. Không gian xung quanh chủ thể luôn là phần quan trọng của bố cục, tạo khoảng không để chiêm nghiệm các đối tượng mà anh đã thể hiện với độ chi tiết đáng chú ý và khuyến khích chúng ta đặt câu hỏi về những định kiến của mình, điều gì đáng chiêm ngưỡng và điều gì không.

Băng keo cũng xuất hiện trong tác phẩm của họa sĩ người Đức Jochen Mühlenbrink: băng keo dùng cho bưu kiện, màu nâu, sáng bóng. Trong một tác phẩm đi theo truyền thống của thế kỷ 17, mô tả chân thực mặt sau của bức tranh, Mühlenbrink vẽ băng keo giữ những tấm bọc bong bóng, bọc xung quanh một bức tranh hoặc được sắp xếp theo các mẫu trừu tượng ngẫu nhiên.

 

Jochen Mühlenbrink, LMP, 2023, Gether Contemporary

 

Jochen Mühlenbrink, WP, 2023, Gether Contemporary

Trong những tác phẩm như WP (2023), một phần của triển lãm cá nhân gần đây tại Gether Contemporary, Mühlenbrink biến tấm toan thành một cửa sổ mù sương, với những hình vẽ graffiti bằng ngón tay; kết quả là những giọt nước nhỏ trượt xuống. Chúng sống động một cách phi thường đến nỗi những đồng nghiệp của tác giả và chủ phòng tranh cũng bị đánh lừa. Tuy nhiên mục đích của hoạ sĩ không chỉ là tạo ảo ảnh, anh chia sẻ với Artsy—đó là khoảng cách giữa tranh và người xem cho phép một niềm tin lơ lửng, điều đó đã mê hoặc anh.

“Tùy thuộc vào kích thước, bạn sẽ có một khoảng cách cụ thể khi những bức tranh nói ‘dừng lại’. Khi bạn tiến đến gần hơn, bạn giống như là nhìn vào hậu trường, bạn sẽ bị thu hút vào các chi tiết, nhưng bạn không thể nhìn bố cục trong trường thị giác của mình nữa,” Mühlenbrink nói, lưu ý rằng để đánh giá đầy đủ ma thuật trong các tác phẩm của anh, chúng phải được ngắm nhìn trực tiếp.

Luôn coi mình là một họa sĩ tĩnh vật, Josephine Halvorson nói rằng trompe l’oeil cuối cùng đã “tìm thấy tôi.” “Là một người vẽ tranh từ cuộc sống, tham vọng của tôi luôn là chuyển tải trải nghiệm của hiện tại vào một bức tranh,” cô nói. Tác phẩm của Halvorson bao gồm một loạt cửa sổ và cửa ra vào được tạo ra với kích thước tương tự như kiến trúc của Biệt thự Medici, nơi cô tham gia cư trú khi ở Học viện Pháp [ở Rome].

 

Josephine Halvorson, Cửa sổ đêm, tháng 7, 30-31, 2015, 2015, MASS MoCA Benefit Auction

 

Josephine Halvorson, Cửa lều chứa củi, 2013, Sikkema Jenkins & Co.

Đối với Halvorson, trompe l’oeil “không phải là ảo ảnh, đánh lừa hay thủ thuật. Nó nói nhiều hơn về việc tìm hiểu điều gì đó, khiến bản thân nhạy cảm với điều đó thông qua sự gần gũi, thông qua sự tiếp xúc, thông qua việc nhìn kỹ và thông qua mô tả. Nói cách khác, một loại nền tảng luyện tập để xem đâu là thực tế thông qua thực hành đơn giản việc nhìn,” hoạ sĩ chia sẻ, cô đã có các triển lãm cá nhân tại ICA Boston và Trung tâm Nghệ thuật Storm King. “Tôi thấy mình tiến gần hơn đến các chủ thể của mình để bản thân cảm nhận bề mặt của chúng với hy vọng khám phá ra sự sống ẩn chứa trong chính các chủ thể đó.”

Họa sĩ mới nổi Anne Carney Raines ở London có một cách tiếp cận rất khác, sử dụng kinh nghiệm vẽ phông nền nhà hát của mình để đối mặt với tính nhân tạo của mặt phẳng tranh, cũng như, có lẽ, sự tồn tại của chính chúng ta. Trong các cuộc phỏng vấn, Carney Raines đã lưu ý rằng có rất nhiều sân khấu đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có thể là chính trị, trên mạng xã hội hoặc việc đóng kịch ở các tin giả. Trong các bức tranh như Whiskey Throttle (2022) hay The Duck (2023), cô tạo ra những khung cảnh đẹp như mơ khiến người xem gần như bị thôi thúc bước vào.

 

Anne Carney Raines, Whiskey Throttle, 2022, Alma Pearl

 

Isidro Blasco, Breuer , 2018, Simões de Assis

Tập trung vào bản chất của sự mô tả, trompe l’oeil cũng đưa ra một cách mới để nhìn nhận các phong trào lịch sử nghệ thuật khác. Ví dụ, một triển lãm gần đây tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã vạch ra tác động của kỹ thuật gây tranh cãi này đối với Chủ nghĩa Lập thể, so sánh các lý tưởng và mục tiêu của hai truyền thống này. Ảnh hưởng này cũng lan sang các nghệ sĩ đương đại: Chủ nghĩa Lập thể có ảnh hưởng lớn đến các công trình trompe l’oeil của Isidro Blasco bao gồm nhiều hình ảnh chụp cùng một không gian.

Giống như một bức tranh Lập thể ở chế độ 3D, một tác phẩm chẳng hạn như Breuer (2018) của Blasco chia nhỏ và lắp ráp lại chủ thể của nó, cho phép chúng ta xem nó từ nhiều góc độ, điều kỳ lạ là có thể giống như một trải nghiệm nhận thức thực tế hơn là một mặt phẳng duy nhất. “Bạn có thể nhìn vào một đối tượng và nhận được rất nhiều phản hồi khác nhau từ nó. Bạn không chỉ nhìn thấy một thứ,” Blasco nói với Artsy. Vì trạng thái tâm trí hiện tại của chúng ta và những trải nghiệm trong quá khứ sẽ luôn ảnh hưởng khi chúng ta liên hệ tới một địa điểm hoặc đồ vật, nên “Chủ nghĩa Lập thể phản ánh nhiều hơn một chút những gì chúng ta cảm nhận được khi mở mắt ra,” ông nói.

Khi các nghệ sĩ đương đại tiếp tục đặt câu hỏi về tính mỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực—và thực sự, cái gì là thực và cái gì không—trompe l’oeil vẫn là một trong những kỹ thuật cốt yếu và lôi cuốn nhất trong bộ công cụ của một nghệ sĩ.

Nguồn: Artsy

Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top